(TBKTSG) - Ngày 14-10 vừa qua, Viện Nghiên cứu trang phục Việt Nam (gọi tắt là Viện Trang phục Việt) đã tổ chức lễ ra mắt tại TPHCM. TBKTSG có cuộc trao đổi với thạc sĩ họa sĩ, nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng, Chủ tịch hội đồng kiêm Phó viện trưởng, cũng là người sáng lập Viện Trang phục Việt, về sự ra đời của tổ chức này.

Ý TƯỞNG THÀNH LẬP VIỆN TRANG PHỤC VIỆT ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO, THƯA ÔNG?

- Ông Lê Sĩ Hoàng: Từ năm 2002-2014, tôi tập trung xây dựng Bảo tàng Áo Dài. Từ 2014 đến nay, hoạt động bảo tàng đã dần ổn định, và tôi nhận ra chúng ta chưa có nhiều tư liệu hay những nghiên cứu về văn hóa mặc của người Việt, trong khi đây là lĩnh vực văn hóa có ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của con người.

Bên cạnh đó, tham gia giảng dạy về chuyên ngành thời trang đã nhiều năm, tôi biết nội dung giảng dạy về lịch sử trang phục Việt Nam rất thiếu trong khi có khá nhiều tư liệu giảng dạy về thời trang thế giới.

Một vấn đề nữa là những hoạt động sân khấu ca nhạc, kịch nghệ, điện ảnh, phim truyền hình... có phục dựng bối cảnh lịch sử xưa vẫn thường nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận về phục trang. Nó bị sai, hoặc pha tạp, hoặc có những sáng tạo không căn cứ. Mà thị trường của các lĩnh vực giải trí này thì rất lớn. Không thiếu những tác phẩm được đầu tư chi phí cao, công phu ở nhiều khâu nhưng lại bị sai về mặt phục trang, thành ra rất đáng tiếc.

Rồi khi nhìn ra bên ngoài, điều mà ai cũng thấy rõ, y phục là một phần biểu hiện quan trọng của văn hóa. Trong khi các nước bên cạnh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đã kịp tạo nên một phong cách thời trang đương đại của nước họ thì những người đau đáu về các xu hướng thời trang Việt Nam vẫn đặt câu hỏi liệu đã có một diện mạo cho trang phục Việt Nam hay chưa?

Theo tôi, nếu ta không có được một nguồn tư liệu đáng tin cậy về lịch sử trang phục của người Việt thì biết lấy gì làm cơ sở phát triển trang phục hay những xu thế thời trang cho người Việt hôm nay? Qua những trải nghiệm làm việc trong lĩnh vực thời trang với một chu trình khép kín, từ sưu tầm hiện vật, lên ý tưởng sáng tạo, đến sản xuất, ra mẫu rồi trình diễn, giới thiệu, bán hàng, tôi nhận thấy vẫn cần phải làm thêm một bước sâu hơn nữa là chủ động “đặt hàng” những nhà sử học, dân tộc học, Việt Nam học, bảo tàng học, trong những nghiên cứu chuyên môn của họ, xin họ chú ý hơn về mảng văn hóa mặc. Và như vậy, cần phải hình thành một viện trang phục thì mới đủ tầm, đủ uy tín để hoạt động.

GIÁO SƯ SỬ HỌC NGUYỄN KHẮC THUẦN GIỮ VỊ TRÍ VIỆN TRƯỞNG. CƠ DUYÊN GIỮA VIỆN VÀ GIÁO SƯ LÀ NHƯ THẾ NÀO?

- Khi tự đặt cho mình nhiệm vụ cần phải hình thành một viện trang phục, tôi chia sẻ tâm ý này với thầy Nguyễn Khắc Thuần với mong muốn viện có người có tầm, có uy tín như thầy để tập hợp các nhà nghiên cứu khoa học. Thầy cũng đã bày tỏ suy nghĩ rằng đây là việc khó nhưng cũng là nỗi trăn trở của nhiều nhà khoa học xã hội. Thầy tin là một tầm nhìn về phát triển văn hóa mặc sẽ nhận được sự ủng hộ của giới nghiên cứu và thầy nói: “Hy vọng cứ đi thì sẽ đến”.

Trong quá trình làm hồ sơ gửi Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, tôi cũng gửi nội dung đề cương về thành lập viện bao gồm sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng, cơ cấu tổ chức, một số chương trình hành động... để tham khảo ý kiến một số nhà khoa học xã hội, giới giảng dạy chuyên ngành thời trang ở các trường đại học và nhận được nhiều sự quan tâm, động viên, khích lệ. Quan trọng nhất là được thầy Thuần đồng ý vào vị trí viện trưởng.

- Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống. Mỗi tộc người đều có đặc trưng văn hóa, có quá trình giao lưu, tiếp biến khác nhau để hình hành bản sắc riêng trong từng giai đoạn lịch sử mà văn hóa mặc là một khía cạnh thể hiện. Tọa đàm khoa học vừa rồi là sự kiện quan trọng đầu tiên của viện. Chúng tôi đã đưa ra những ghi nhận, những thảo luận về văn hóa mặc của người Chăm trong quá trình giao thoa với trang phục các dân tộc anh em, về trang phục của người Hoa tại TPHCM, trang phục của người Khmer ở Nam bộ, và về lịch sử áo dài Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động sắp tới, viện sẽ mở rộng nghiên cứu, công bố thêm những tư liệu. Chúng tôi mong muốn mỗi khi có nghiên cứu được công bố rộng rãi thì cũng sẽ tiếp tục nhận thêm các nguồn đóng góp tư liệu bổ sung từ cộng đồng người Việt các dân tộc ở trong và ngoài nước. Hiện ngoài tư liệu sưu tập của các nhà nghiên cứu, vẫn có những gia đình còn gìn giữ các bộ trang phục hoặc những trang sức cũ như là những kỷ vật của các đời trước. Có khi đó sẽ là những tư liệu để củng cố, hoặc phản biện. Như thế cũng là cung cấp thêm cơ sở cho các cuộc nghiên cứu được sâu hơn, và những cuộc thẩm định, thảo luận, hiệu chỉnh kết quả nghiên cứu...

Chúng tôi muốn trở thành một địa chỉ tập trung, cung cấp những tư liệu đáng tin cậy về trang phục để những ai có nhu cầu tìm hiểu thì có nơi tìm đến, bao gồm các nhà sản xuất phim, sản xuất các chương trình sân khấu, truyền hình, tổ chức lễ hội...; các nhà thiết kế, các doanh nghiệp về thời trang, nhất là phục vụ các khuynh hướng sáng tạo trang phục cách tân nhưng dựa trên nền tảng trang phục truyền thống các dân tộc.

- Đúng vậy. Bên cạnh nghiên cứu văn hóa mặc của người Việt, những lĩnh vực hoạt động chính của viện còn bao gồm việc biên soạn tài liệu giảng dạy ngành thời trang và tư vấn giải pháp thiết kế mặc đẹp và đúng. Đây là những công việc của thì hiện tại và tương lai. Và văn hóa mặc thì có liên hệ mật thiết với ngành thời trang. Ngoài ít nhất hai tiêu chí căn bản là tính thẩm mỹ và tính sử dụng được áp đặt cho bất kỳ sản phẩm thời trang nào thì một sản phẩm sẽ có giá trị cao hơn nữa nếu nó được phát huy từ những giá trị văn hóa truyền thống.

Các người đẹp nổi tiếng diện trang phục trong bộ sưu tập của nhà thiết kế thời trang Lê Sĩ Hoàng.

Ở một khía cạnh khác, thời trang là ngành đòi hỏi liên tục có những mẫu mã mới. Mùa chuyển đổi thời trang đã đi từ mỗi năm rút ngắn còn mỗi quí và giờ đây dường như nó không cần chờ thời gian nữa. Trong thời đại truyền thông Internet, nó có khả năng gây hiệu ứng trong tích tắc và trên phạm vi toàn cầu. Nếu thiếu những mẫu mã có chất lượng đáp ứng nhu cầu thì những mẫu kém chất lượng sẽ lập tức lắp đầy. Thêm nữa, văn hóa mặc không chỉ riêng cái quần, cái áo mà làm nên, nó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, hài hòa với nhiều sản phẩm thời trang khác như giày dép, túi xách, mũ nón, các loại phụ kiện và cả các dịch vụ trang điểm, làm tóc...

Trong những hoạt động sắp tới của viện, chúng tôi muốn có sự kết nối các nhà thiết kế với các doanh nghiệp về thời trang, hoặc giữa các doanh nghiệp ngành may mặc với các ngành giày da, phụ kiện, dịch vụ thẩm mỹ trong cái nhìn vừa tổng thể vừa chi tiết và mang tính đồng bộ. Cái nhìn của thời trang phải như vậy!

XIN ÔNG NÓI RÕ THÊM VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI MÀ VIỆN ĐANG MƯU CẦU?

- Đó có thể là việc tổ chức các sinh hoạt tạo mạng lưới kết nối. Ở đó, các nhà thiết kế có khuynh hướng sáng tạo từ khai thác kho tàng văn hóa có thể ngồi lại với nhau để cùng làm nên một cái gì đó. Ở đó, những hoạt động tương đối độc lập của các nhà thiết kế lâu nay sẽ có nhiều cơ hội liên kết hơn với nhà sản xuất sản phẩm. Ở đó, các doanh nghiệp có sản phẩm liên quan ngành thời trang có cơ hội trao đổi kiến thức và cung cấp những giá trị sáng tạo cho nhau, trở thành đối tác, khách hàng của nhau trong tầm nhìn đồng bộ về thời trang như tôi vừa nói.

Những nét rất duyên nằm tinh tế trong từng đường nét của trang phục Việt.

Điều tôi muốn đề cập nữa đó là việc tạo cơ hội cho rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang ra trường mỗi năm tìm kiếm đất dụng võ. Hiện họ rất thiếu việc làm và phải đi làm những công việc không phải sở học. Như vậy thật lãng phí!

 

Theo: thesaigontime.vn

Thực hiện: Thanh Phương