Nhiều học giả đã đồng ý rằng, trong hành trình của của tà áo dài Việt Nam, cuộc cách tân quan trọng nhất của nó là sự xuất hiện của áo dài Lemur, do hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường là người tiên phong.
Năm 1934, thông qua tờ báo Phong hóa của Tự lực Văn đoàn, bằng việc cho ra đời hàng loạt mẫu áo dài cách tân, ông đã tạo nên cuộc cải tiến y phục phụ nữ Việt mạnh mẽ nhất từ xưa tới nay. Họa sỹ đã giới thiệu đến độc giả những y phục phụ nữ tân thời do ông tạo kiểu: có cổ, không cổ, có tay, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xoè, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn (mini). Sau này năm 1937 tại hiệu may LEMUR còn có áo kiểu vai chéo (đời sau gọi là vai Raglan), áo đi xe đạp và áo cô dâu… Áo dài Lemur thời ấy đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Hà thành nói riêng và Việt Nam, được từ phụ nữ trí thức tới các nữ sinh ưa chuộng.
Áo dài Lemur – biểu tượng của cuộc cách tân trang phục phụ nữ những năm 30 thế kỷ trước, tâm huyết của họa sỹ tài hoa Nguyễn Cát Tường mới đây đã được tái hiện trọn vẹn qua bộ sưu tập "Sắc Lemur 2019."
Trong bộ sưu tập "Sắc Lemur 2019", các chi tiết cách tân kinh điển thời bấy giờ đều được truyền tải trọn vẹn. Toàn bộ phần trang điểm, làm tóc và chọn bối cảnh đều được lựa chọn kỹ càng nhằm tái hiện đúng nhất không khí, tinh thần của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Tác giả bộ sưu tập là NTK Lê Sĩ Hoàng, người cả đời dành tâm huyết của mình cho tà áo dài, nhà sáng lập Bảo tàng áo dài Việt Nam.
Ra ra mắt trong dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), tà áo dài Lemur được thể hiện bởi 20 người mẫu là các nữ doanh nhân tại Sài Gòn. Họ sẽ hóa thân vào là các bà đốc học, các cô giáo, bác sĩ, dược sĩ, y tá, cùng các nghệ Sĩ danh tiếng, các tôn nữ hoàng tộc và cả bà hoàng hậu tuyệt đẹp trên đỉnh cao của thập niên 1940-1950.
Chia sẻ về hành trình tà áo dài đi cùng những đổi thay mạnh mẽ về tư tưởng diễn ra đầu thế kỷ 20, NTK Lê Sĩ Hoàng cho biết: "Những chi tiết cách tân của áo dài thời ấy là sự đấu tranh của phái nữ được truyền tải vào trang phục. Áo dài Lemur đã đánh dấu sự khởi đầu vàng son cho bình quyền của thế hệ phụ nữ Việt Nam. Kể từ đó, phụ nữ và những giá trị của họ đã được ghi nhận và lan toả.
Tôi tôn trọng và khâm phục tâm huyết của người tiền bối đáng kính. Là một người nâng niu, trân trọng và phát triển vẻ đẹp của những tà áo dài, tôi tin rằng mình có trách nhiệm khôi phục và lan tỏa vẻ đẹp ấy trong đời sống hiện đại. Phụ nữ hiện đại không chỉ đẹp, họ còn rất giỏi giang và thành đạt. Trong "Sắc Lemur 2019", tôi mời 20 người phụ nữ là những doanh nhân thành công, để tiếp nối và lan tỏa tinh thần của áo dài trong thế kỷ 21."
Một trong những vị khách mời trình diễn BST áo dài "Sắc Lemur 2019" - chị Lê Mai Anh, Giám đốc điều hành một hãng truyền thông quốc tế tại Vệt Nam rất hứng thú và vinh dự. Chị cho biết với tính chất công việc phải tham gia nhiều sự kiện, diễn đàn và đăc biệt là các sự kiện quốc tế, chị luôn luôn chọn cho mình trang phục là tà áo dài Việt Nam. Hình ảnh tà áo dài là hiện thân của nét đẹp tâm hồn người Việt, thanh thoát, kín đáo nhưng vẫn đầy cuốn hút. "Khi dành nhiều thời gian trò chuyện với NTK Sĩ Hoàng, tôi mới hiểu được để cho ra đời những mẫu áo daì mang hơi hướng phương tây vào giai đoạn 1930-1940 là cả một sự đấu tranh. Đó là lúc áo dài đứng giữa ranh giới của phong kiến và nền văn minh phương Tây du nhập, chứng kiến và đón nhận những tranh luận đa chiều từ dư luận thời bấy giờ. Vì vậy, tôi và các chị rất tự hào khi được chọn là những gương mặt lan toả giá trị của tà áo dài truyền thống đến với công chúng".
Bộ sưu tập sẽ được trình diễn lần đầu tiên tại Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Trang phục Việt vào 14/10. Cùng chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài vượt thời gian độc đáo và ý nghĩa này:
Theo: Tri Thức Trẻ
Thực hiện: Mai Phương